Bệnh đau nửa đầu và nhóm thuốc điều trị đau nửa đầu hiệu quả

0
214
Bệnh đau nửa đầu Migraine
Bệnh đau nửa đầu Migraine

Đau nửa đầu là tình trạng bệnh phổ biến hiện nay. Đau nửa đầu xảy ra thường xuyên và kéo dài, không những ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy những yếu tố gây đau nửa đầu là gì và có những thuốc điều trị đau nửa đầu nào? Hãy cùng Sanbanbuon tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu (hay còn gọi là đau nửa đầu Migraine hoặc đau đầu vận mạch) là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm đau đầu mãn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não. Đau nửa đầu có đặc điểm là đau nhức nửa đầu dữ dội kéo dài kết hợp với một số triệu chứng khác làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đau đầu Migraine là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh.

Chứng đau nửa đầu thường liên quan đến sự nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, mùi vị, có thể kèm theo nôn hoặc buồn nôn. Loại đau đầu này thường chỉ liên quan đến một bên đầu, nhưng trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị đau cả hai bên. Cơn đau thường được mô tả là đau nhói và nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi gắng sức.

Không phải tất cả các cơn đau đầu đều thể hiện chứng đau nửa đầu và đau nửa đầu không phải là tình trạng duy nhất có thể gây đau đầu nghiêm trọng và suy nhược. Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây nhức đầu do tình trạng co cơ của da đầu, mặt, cổ.

Bệnh đau nửa đầu Migraine
Bệnh đau nửa đầu Migraine

Theo WHO, bệnh đau nửa đầu Migraine là 1 trong 19 bệnh gây tàn tật thường gặp trên toàn cầu do tính tái phát thường xuyên gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Migraine gặp ở phụ nữ nhiều gấp 3 lần gặp ở nam giới, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh đau nửa đầu, nhưng thường gặp ở nữ độ tuổi dưới 45, hiếm gặp hơn ở người cao tuổi già và trẻ em.

Phân loại đau nửa đầu

Đau nửa đầu có thể phân thành 2 nhóm chính: đau nửa đầu không có dấu hiệu báo trước và đau nửa đầu có dấu hiệu báo trước.

Đau nửa đầu không có dấu hiệu báo trước

Đau nửa đầu không có dấu hiệu báo trước tái phát thành các cơn kéo dài từ 4-72 giờ.
Có ít nhất 2 trong các triệu chứng như: đau một bên và có thể lần lượt đổi bên (không cố định bên nào), có hiện tượng mạch đập ở vùng thái dương.
Mức độ đau có thể vừa hoặc dữ dội tùy theo từng bệnh nhân và đau tăng lên khi gắng sức.
Trong cơn đau có ít nhất một trong các triệu chứng nôn, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.

Đau nửa đầu có dấu hiệu báo trước

  • Có ít nhất 2 cơn nhức đầu kéo dài từ 4-72 giờ và có các triệu chứng nôn,  buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
  • Trong cơn đau xuất hiện các triệu chứng như rối loạn cảm giác nửa người, liệt các dây thần kinh sọ, liệt nửa người, rối về thị giác, rối loạn ngôn ngữ. Các triệu chứng này chỉ thoáng qua và mất đi sau vài phút hoặc kéo dài không quá 1 giờ.
  • Một số ít trường hợp có tiền triệu nhưng không bị đau đầu.
  • Bệnh nhân bị đau nửa đầu có tiền triệu đi kèm sự giảm khả năng vận động.

Ngoài ra đau nửa đầu Migraine còn có các loại ít gặp hơn như:

  • Đau đầu vận mạch liên quan đến động mạch nền: là đau đầu có dấu hiệu báo trước đi kèm với triệu chứng chóng mặt, ù tai và một số triệu chứng liên quan đến thân não nhưng không bị giảm khả năng vận động.
  • Hội chứng có chu kỳ ở trẻ em là tiền thân của đau nửa đầu, có triệu chứng nôn mửa theo chu kỳ, đau bụng kèm buồn nôn, chóng mặt,… xảy ra ở trẻ em.
  • Đau nửa đầu võng mạc liên quan đến đau nửa đầu kèm theo rối loạn thị giác.
  • Đau nửa đầu có biến chứng là tình trạng đau nửa đầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đó là Migraine mạn tính kéo dài, có thể đi kèm tổn thương não, co giật, nhồi máu não.

Các vị trí đau nửa đầu thường gặp

Có nhiều dạng đau nửa đầu khác nhau, trong đó các dạng phổ biến thường gặp là:
Đau nửa đầu bên phải: nửa đầu bên phải đau dữ dội. Đây là triệu chứng nguy hiểm cần được điều trị sớm. Một số biểu hiện của bệnh đau nửa đầu phải như:

  • Thời gian đau đầu kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường xuyên buồn tiểu.
  • Cơn đau tăng dần khi vận động, thị lực suy giảm.
  • Sợ âm thanh tiếng ồn, ánh sáng mạnh, thính giác kém, ngôn ngữ rối loạn,…
Đau nửa đầu phải
Đau nửa đầu phải

Đau nửa đầu bên trái: cơn đau nửa đầu trái lặp lại trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm. Người bệnh cảm thấy đau nửa đầu trái là tê nhức, đau buốt hay âm ỉ bên trái đầu. Một số triệu chứng của bệnh đau nửa đầu trái bao gồm:

  • Đau bên trái đầu, vị trí thường đau nhất là quanh thái dương và hốc mắt.
  • Cơn đau đau từng cơn, kéo dài trong vài giờ.
  • Khi hoạt động, cơn đau nặng hơn, nhất là phần đầu bên trái.

Đau nửa đầu sau: đau đầu sau gáy gây khó khăn trong khi cử động khớp cổ. Đau nửa đầu vùng vai gáy lan sang các vùng đầu xung quanh gây tê mỏi và các triệu chứng đi kèm. Một số triệu chứng khác của đau đầu sau gáy bao gồm:

Vùng đầu trái hoặc phải phía sau bị đau, cơn đau lan dần ra các vùng xung quanh.

  • Sợ âm thanh và ánh sáng.
  • Cơn đau xuất hiện với tần suất dày theo thời gian.
  • Cơ thể có dấu hiệu suy nhược, mệt mỏi, căng thẳng, cáu gắt,…

Đau vùng đỉnh đầu: đau đỉnh đầu xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài, đau dữ dội trong vài ngày khiến người bệnh ê ẩm đầu như bị chấn thương. Một số dấu hiệu để nhận biết đau nửa đầu đỉnh gồm:

  • Đau dữ dội ở vùng trán lan dần xuống mắt.
  • Sợ ánh sáng, âm thanh mạnh, khi có tiếng động mạnh hoặc ánh sáng cơn đau tái diễn nặng hơn.

Nguyên nhân và yếu tố kích hoạt đau nửa đầu

Nguyên nhân đau nửa đầu

Nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu Migraine chưa được xác định rõ ràng. Theo giả thuyết được chấp nhận, cơn đau đầu có thể do một số nguyên nhân điển hình sau:

  • Bệnh lý của hệ thống thần kinh liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh serotonin, chất dẫn truyền này bị phóng thích, đào thải đột ngột và gặp các yếu tố như sử dụng chất kích thích, mất ngủ, stress,… gây đau đầu dữ dội.
Căng thẳng, stress có thể làm cho đau nửa đầu phát sinh
Căng thẳng, stress có thể làm cho đau nửa đầu phát sinh
  • Đau nửa đầu do các dây thần kinh não bị rối loạn, mạch máu não bị co giãn bất thường gây các cơn đau âm ỉ hoặc đột ngột ở nửa đầu.
  • Bệnh đau nửa đầu do di truyền từ bố mẹ sang con. Các nghiên cứu trên các cặp song sinh đã chỉ ra rằng, có đến 60-65% bệnh đau nửa đầu do ảnh hưởng bởi di truyền.
  • Do thay đổi nồng độ hormone ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30-35. 75% bệnh nhân là phụ nữ trưởng thành, mặc dù ở trẻ em nam và nữ trong giai đoạn tiền dậy thì tỉ lệ này là ngang nhau. Đau nửa đầu có xu hướng biến mất khi đang mang thai, một số ít trường hợp bị đau nửa đầu nhiều hơn khi mang thai.

Yếu tố kích hoạt đau nửa đầu

Giới chuyên gia y tế cho rằng có các tác nhân khởi phát gây nên một cơn đau đầu, mặc dù việc tìm ra được tác nhân khởi phát của một cá nhân không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số các tác nhân khởi phát thường gặp bao gồm:

  • Căng thẳng tâm lý (stress) về tinh thần hoặc thể chất.
  • Cơ thể thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Các kích thích cảm giác: ánh sáng mạnh lập lòe, đèn nhấp nháy, mùi, tiếng động, tiếng ồn,…
  • Các hóa chất, như các loại hóa chất có trong xăng và nước hoa.
  • Sử dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu đỏ.
  • Đói.
  • Các thay đổi về kích thích tố – kinh nguyệt, các thuốc viên kích thích tố và tiền mãn kinh.
  • Sử dụng thuốc tránh thai, thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi hormone trong thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Sử dụng một số loại thực phẩm như pho mát, socola, bơ lạc, bơ, hành, natri glutamate (mì chính) hoặc muối nitrat (xúc xích, thịt muối,…)
  • Tyramine: Các loại thức ăn để lâu ngày, lên men và đã được bảo quản lâu có nồng độ tyramine cao hơn, đây là chất được tạo ra do phân hủy axit amin tirozin. Tyramine có thể làm cho các mạch máu co thắt rồi lại giãn ra, và có thể gây đau nhức nửa đầu.
Những loại thực phẩm lên men để càng lâu năm sản sinh tyramine càng nhiều và nguy cơ gây đau nửa đầu càng lớn
Những loại thực phẩm lên men để càng lâu năm sản sinh tyramine càng nhiều và nguy cơ gây đau nửa đầu càng lớn

Thời tiết: độ ẩm cao đi kèm nhiệt độ cao hoặc thấp, thay đổi áp suất không khí cũng là yếu tố kích hoạt cơn đau.

Dấu hiệu và triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng trên mỗi bệnh nhân khác nhau thường khác nhau. Vì vậy, dấu hiệu của bệnh nhân trước, trong và sau cơn đau thường không được xác định rõ ràng.
Có 4 giai đoạn của bệnh đau đầu Migraine. Không phải ai cũng trải qua cả 4 giai đoạn. Ngoài ra, các giai đoạn và triệu chứng trong từng giai đoạn cũng có thể khác nhau trong mỗi lần đau ở cùng một bệnh nhân.

Giai đoạn triệu chứng sớm

Giai đoạn triệu chứng sớm có thể xảy ra vài ngày hoặc vài giờ trước khi bị đau đầu, bệnh nhân cũng như người nhà có thể dựa vào kinh nghiệm để dự đoán trước cơn đau. Giai đoạn này xảy ra ở 40-60% bệnh nhân đau nửa đầu, còn một số bệnh nhân còn lại không trải qua giai đoạn này.
Một số triệu chứng thường gặp gồm: mệt mỏi, ngủ nhiều, thay đổi tính khí, trầm cảm, căng cơ, tiêu chảy, táo bón, tiểu nhiều hơn,… và các triệu chứng về phủ tạng.
Căn cứ vào kinh nghiệm mà bệnh nhân cũng như người nhà có thể dựa dự đoán trước cơn đau và có biện pháp khắc phục.

Giai đoạn tiền triệu

Giai đoạn tiền triệu xảy ra đối với 20-30% bệnh nhân đau nửa đầu. Đây là một hiện tượng thần kinh tập trung xảy ra vào thời điểm trước hoặc trong cơn đau đầu. Giai đoạn này xuất hiện dần dần từ 5-20 phút và kéo dài không quá 60 phút. Cơn đau đầu thường xảy ra trong vòng 60 phút sau giai đoạn tiền triệu, nhưng cũng có thể vài giờ sau hoặc không có cơn đau đầu.
Triệu chứng về tiền triệu trong đau nửa đầu có thể về hình ảnh, cảm giác hoặc vận động tự nhiên.

  • Tiền triệu về thị giác được xem là dấu hiệu thần kinh phổ biến nhất. Đây là sự thay đổi về hình ảnh như thấy các đường sáng nhấp nháy, thấy ảnh bị chia đoạn,…
  • Tiền triệu về cảm giác giác trong đau nửa đầu bao gồm rối loạn cảm giác như đau nhói hoặc tê mê, mất cảm giác, hiếm hơn là thấy liệt nhẹ nửa người hoặc giảm ý thức.
  • Những triệu chứng khác trong giai đoạn tiền triệu bao gồm ảo giác, thính giác và khứu giác, chứng mất khả năng hiểu ngôn ngữ tạm thời, chóng mặt, cảm giác kiến bò và tê ở mặt và đầu chi, xúc giác quá nhạy cảm,…

Giai đoạn đau đầu

Cơn đau nửa đầu điển hình thường là 1 bên, đau từ mức độ trung bình đến nặng và có thể nặng hơn khi hoạt động thể chất. Cơn đau có thể cả hai bên khi mới bắt đầu hoặc bắt đầu ở 1 bên rồi lan dần sang cả 2 bên, và thường đổi bên mỗi lần đau.
Các cơn đau thường bắt đầu một cách từ từ, cơn đau lên đến đỉnh điểm rồi dịu xuống, thường kéo dài 4-72 giờ ở người lớn và 1-48 giờ ở trẻ em. Tần suất và mức độ đau cũng khác nhau.
Sự xuất hiện các cơn đau ở mỗi người là khác nhau, có những người chỉ xảy ra một vài lần trong đời, có người vài lần trong tuần, cũng có những người đối mặt với nó kinh niên.
Cơn đau nửa đầu thường đi kèm với các biểu hiện sau:

  • Buồn nôn xảy ra ở khoảng 90% bệnh nhân và nôn xảy ra ở khoảng ⅓ số bệnh nhân.
Khi đau nửa đầu, các dây thần kinh não bị kích hoạt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ruột dẫn đến buồn nôn
Khi đau nửa đầu, các dây thần kinh não bị kích hoạt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ruột dẫn đến buồn nôn
  • Quá nhạy cảm như sợ âm thanh, ánh sáng, sợ mùi, có xu hướng tìm khu vực tối và yên tĩnh,…
  • Cảm giác nhìn mờ, tiêu chảy, đổ mồ hôi,…
  • Có trường hợp xuất hiện phù cục bộ ở da đầu và mặt, tĩnh mạch hoặc động mạch nổi lên vùng thái dương, căng cứng vùng cổ,…
  • Thay đổi cảm xúc, mất khả năng tập trung, dễ thay đổi cảm xúc, đầu chi thường cảm thấy lạnh và ẩm ướt, cũng có thể bị chóng mặt, choáng váng, hoa mắt. Đây là triệu chứng cũng khá phổ biến ở giai đoạn này.

Giai đoạn sau cơn đau

Tại giai đoạn này, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, phiền muộn, đau đầu, nhận thức kém, kèm các triệu chứng về hệ tiêu hóa. Một số triệu chứng nhỏ trong giai đoạn đau đầu vẫn tiếp tục. Đối với một số bệnh nhân, sau khi ngủ dậy có thể làm giảm cơn đau, nhưng tình trạng đau đầu nhẹ vẫn có thể xảy ra khi người bệnh ngồi xuống hoặc đứng dậy đột ngột.

Nhóm thuốc điều trị đau nửa đầu

Migraine cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, trước khi điều trị cần làm một số xét nghiệm thăm dò tùy theo từng trường hợp cụ thể như: chụp cộng hưởng từ sọ não, chụp cắt lớp vi tính sọ não, siêu âm hệ thống mạch máu trong và ngoài sọ, chụp mạch não và một số xét nghiệm cơ bản cần thiết khác. Các xét nghiệm trên nhằm loại trừ các bệnh lý thực tổn ở não nguy hiểm như: dị dạng mạch não, u não, tụ máu, não úng thủy,… và cũng có thể phát hiện các bệnh lý nội khoa khác kèm theo.
Vì nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được giải thích rõ ràng nên việc điều trị còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ điều trị giảm nhẹ cơn đau nửa đầu cấp và hạn chế việc tái phát triệu chứng đau bằng thuốc dự phòng cơn đau.

Nhóm thuốc điều trị cắt cơn đau nửa đầu cấp

Điều trị cơn đau nửa đầu cấp nhằm mục đích là cắt cơn đau nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tác dụng phụ, cải thiện khả năng, chức năng thần kinh cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào mức độ cơn đau đầu, tần suất xuất hiện cơn đau của người bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc cụ thể. Nhóm thuốc điều trị cắt cơn đau nửa đầu cấp tính gồm có các thuốc sau đây.

Paracetamol hay các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Một số loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm:

  • Acetaminophen (Paracetamol).
  • Aspirin (thuốc không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi).
  • Ibuprofen.
  • Naproxen.

Thuốc được dùng chủ yếu theo đường uống, áp dụng cho cường độ đau vừa phải.
Người bệnh có thể dùng các thuốc này kết hợp với thuốc chống nôn Metoclopramide hoặc Domperidone. Thuốc chống nôn để tăng hiệu quả của thuốc giảm đau và điều trị triệu chứng nôn của migraine.

Thuốc chống viêm không steroid điều trị cơn đau nửa đầu vừa phải
Thuốc chống viêm không steroid điều trị cơn đau nửa đầu vừa phải

Lạm dụng thuốc giảm đau nhóm NSAIDs có thể khiến cơn đau tồi tệ hơn và có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn hệ tiêu hóa: đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn,… Khi sử dụng NSAIDs kéo dài và đặc biệt ở liều cao, người bệnh có thể bị viêm loét và nghiêm trọng hơn là xuất huyết dạ dày.
  • Tác động lên hệ tim mạch: NSAIDs có thể làm tăng huyết áp và gây bất lợi cho việc kiểm soát huyết áp bằng thuốc. Các NSAIDs cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau tim ở người có bệnh tim mạch.
  • Tác động lên chức năng gan – thận: sử dụng NSAIDs trong thời gian ngắn cũng có thể gây hại đến thận đặc biệt ở những người đã có bệnh thận nền.

Nhóm Triptans

Sự co thắt mạch máu bất thường là nguyên nhân gây đau nửa đầu. Các thuốc Triptans khi đi vào cơ thể làm tăng nồng độ serotonin trong não khiến các mạch máu giãn nở, ngăn chặn tín hiệu đau được gửi đến não và ngừng giải phóng một số chất tự nhiên gây đau, buồn nôn và các triệu chứng đau nửa đầu khác.
Triptans được bào chế dưới dạng thuốc viên, thuốc tiêm, thuốc đặt dưới lưỡi, thuốc xịt mũi.
Thuốc nhóm Triptans thường được sử dụng làm giảm cơn đau nửa đầu vừa và nặng. Đồng thời nhóm thuốc này góp phần làm giảm các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng.

Các loại thuốc điều trị đau nửa đầu migraine thuộc nhóm Triptans phổ biến:

  • Sumatriptan.
  • Almotriptan.
  • Rizatriptan.
  • Eletriptan.
  • Frovatriptan.
  • Rizatriptan.
  • Zolmitriptan.
Thuốc Sumatriptan điều trị đau nửa đầu
Thuốc Sumatriptan điều trị đau nửa đầu

Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc nhóm Triptans:

  • Chóng mặt.
  • Buồn ngủ.
  • Ngứa, tê bì ngón chân, ngón tay.
  • Tức ngực hoặc khó chịu ở lồng ngực, cổ họng.

Lưu ý khi sử dụng:

Chỉ uống thuốc khi bắt đầu có cơn đau và không uống ở giai đoạn tiền triệu.

Có thể phối hợp với thuốc chống nôn như Metoclopramide hay Domperidone.

Những người có tiền sử về tim hoặc có nguy cơ đột quỵ không nên sử dụng nhóm thuốc này.

Không sử dụng nhóm thuốc Triptans cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Việc kết hợp thuốc nhóm Triptans với các thuốc có chứa chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và các chất ức chế tái hấp thu norepinephrine chọn lọc (SNRI) khiến lượng serotonin trong cơ thể tăng nhanh quá mức (gọi là hội chứng serotonin) làm nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp tăng nhanh có thể đe dọa tính mạng người dùng.

  • Nhóm thuốc SSRI bao gồm: Fluvoxamine, Fluoxetine, Escitalopram, Olanzapine, Paroxetine, Sertraline, Citalopram.
  • Nhóm thuốc SNRI bao gồm: Sibutramine, Duloxetine, Venlafaxine.Với cường độ đau dữ dội, sử dụng Sumatriptan phối hợp Naproxen sẽ hiệu quả hơn một thuốc đơn độc. [3]

Nhóm thuốc điều trị đau nửa đầu Ergotamine

Ergotamin là nhóm thuốc đầu tiên được sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu nghiêm trọng. Ergotamin có tác dụng co mạch ngoại vi và chống mất trương lực động mạch, giúp cải thiện triệu chứng đau nửa đầu.
Ergotamine được bào chế dưới dạng viên, dạng tiêm, dạng đặt dưới lưỡi, dạng xịt.
Thuốc điều trị đau nửa đầu Ergotamine được dùng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau. Nếu vẫn chưa thấy đỡ đau đầu và không có tác dụng phụ xảy ra, có thể dùng tiếp các liều 1mg nhắc lại sau mỗi 30 phút cho đến khi cơn đau giảm bớt hoặc cho đến khi đã sử dụng tổng liều 6mg trong 24 giờ và 10mg trong một tuần, với khoảng cách giữa hai đợt dùng ít nhất là 4 ngày.
Các loại thuốc Ergotamine chủ yếu là:

  • Ergotamine.
  • Ergotamine và caffeine.
  • Methylergonovine.
  • Dihydroergotamine.
  • Methysergide.

Mặc dù nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh chóng nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, lo âu, mệt mỏi, huyết áp giảm,…

Lưu ý khi sử dụng thuốc nhóm Ergotamin:

  • Chống chỉ định dùng thuốc nhóm Ergotamin cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang cho con bú vì chúng có nguy cơ gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
  • Chống chỉ định cho bệnh nhân có tiền sử tim mạch, tăng huyết áp, người bị nhiễm khuẩn.
    Ergotamine có gây tương tác với thuốc chống nấm và thuốc kháng sinh, vì vậy không nên sử dụng đồng thời cùng với nhóm thuốc này.
  • Không sử dụng cùng lúc thuốc nhóm Ergotamin với nhóm Triptans.

Nhóm Opioids

Nhóm Opioids được dùng cho bệnh nhân sử dụng thuốc Ergotamin hoặc Triptans không hiệu quả. Nhóm thuốc Opioids có tác dụng mạnh hơn nhiều lần các nhóm thuốc trước đó.

Nhóm Opioid sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với Ergotamin hoặc Triptans
Nhóm Opioid sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với Ergotamin hoặc Triptans

Thuốc thuộc nhóm Opioids gồm có:

  • Codein.
  • Morphin.
  • Oxycodone.
  • Meperidine.

Chú ý khi sử dụng thuốc thuộc nhóm Opioids:

  • Thuốc giảm đau Opioids có nguy cơ gây nghiện nghiêm trọng, vì vậy chúng thường được kê đơn với liều thấp và hết sức thận trọng trước khi sử dụng.
  • Khi sử dụng có thể gây buồn ngủ, vì vậy không nên sử dụng máy móc hoặc lái xe khi đã uống thuốc, nhất là khi bệnh nhân mới bắt đầu uống thuốc lần đầu.

Nhóm thuốc dự phòng cơn đau

Nhóm thuốc dự phòng cơn đau được dùng cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân không sử dụng được các thuốc điều trị đau nửa đầu cấp vì có chống chỉ định hay không dung nạp, việc sử dụng không hiệu quả hay có lạm dụng thuốc.
  • Có từ 2 cơn migraine trở lên mỗi tuần.
  • Cơn đau thưa hơn nhưng nặng hoặc kéo dài hơn.
  • Bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống dù đã được điều trị cắt cơn.

Điều trị dự phòng có thể làm giảm mức độ nặng và mật độ cơn đau nhưng không triệt được hoàn toàn các cơn đau nửa đầu, do đó, vẫn cần bổ sung điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị ít nhất là 2-3 tháng kể cả khi không còn cơn đau.
Hiện nay chưa có loại thuốc chuyên biệt nào để điều trị bệnh đau nửa đầu. Người bệnh thường được chỉ định dùng một số loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh,… Số lượng loại thuốc được lựa chọn và liều dùng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Nhóm thuốc chẹn beta

Các thuốc chẹn beta làm giảm tác dụng của hormone gây căng thẳng lên tim và mạch máu, từ đó làm giảm tần suất và cường độ đau của chứng đau nửa đầu.
Các thuốc chẹn beta thường được sử dụng là Propranolol, Nadolol, Atenolol và Metoprolol.
Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta có thể bao gồm: chóng mặt, lo âu, mệt mỏi, buồn nôn,…
Thuốc chẹn beta có thể gây trầm cảm ở một số người liệt dương ở một số nam giới.

Thuốc chẹn kênh calci

Thuốc chẹn kênh calci là thuốc huyết áp điều tiết sự co thắt và giãn mạch máu có tác dụng kiểm soát và làm giảm chứng đau nửa đầu.
Nhóm thuốc chẹn kênh calci bao gồm các thuốc sau:

  • Verapamil.
  • Diltiazem.
  • Nifedipine.
  • Flunarizin.

Verapamil và Flunarizin thường được lựa chọn đầu tiên để điều trị dự phòng đau nửa đầu.
Một số tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh calci:

  • Thuốc chẹn kênh calci có thể mất hiệu lực theo thời gian.
  • Tác dụng phụ khác: đau đầu, chóng mặt, táo bón, giảm huyết áp, tăng cân,…
Thuốc Sibelium trị đau nửa đầu
Thuốc Sibelium trị đau nửa đầu

Nhóm thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng đến sự hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não bộ, bao gồm cả serotonin. Sự gia tăng serotonin có thể làm giảm viêm và co thắt mạch máu, giúp giảm đau nửa đầu.
Thuốc chống trầm cảm thường được khuyến cáo để phòng ngừa đau nửa đầu bao gồm: Amitriptyline, Mirtazapine, Doxepin, Nortriptyline, Imipramine, Paroxetine, Sertraline.
Một số tác dụng phụ thường gặp với thuốc chống trầm cảm ba vòng:

  • Hầu hết các loại thuốc này gây buồn ngủ, đặc biệt Amitriptyline và Doxepin. Vì vậy, những loại thuốc này thường được dùng trước khi đi ngủ và bắt đầu với liều thấp.
  • Một số tác dụng khác: khô miệng, táo bón, bí tiểu, hồi hộp đánh trống ngực, lú lẫn ở người già,…
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm thường xuyên có thể làm giảm ham muốn tình dục và tăng cân ở nhiều người.
Thuốc Menelat 30 điều trị đau nửa đầu Migraine
Thuốc Menelat 30 điều trị đau nửa đầu Migraine

Nhóm thuốc chống động kinh

Một số thuốc chống động kinh được sử dụng trong phòng ngừa đau nửa đầu là: Topiramate, Valproate, Gabapentin.
Thuốc chống động kinh có thể được sử dụng lâu dài để làm giảm bớt các triệu chứng đau nửa đầu mãn tính bằng cách làm dịu các dây thần kinh hoạt động quá mức trong não bộ.
Tuy nhiên, ở liều cao, các thuốc chống động kinh gây ra một vài tác dụng không mong muốn như: buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, suy giảm thị lực,…

Nhóm thuốc đối kháng CGRP

Các chất kháng thụ thể CGRP là nhóm thuốc mới nên hiện chưa phổ biến. Chúng hoạt động trên peptid liên quan đến gen calcitonin (CGRP) – một loại protein được tìm thấy xung quanh não có vai trò trong bệnh lý học của cơn đau nửa đầu khi thuốc nhóm Triptans giảm hoạt tính.
Nhóm thuốc này gồm có:

  • Erenumab.
  • Fremanezumab.

Botulinum toxin loại A (Botox)

Botox là một loại thuốc được điều chế từ độc tổ của một loại vi khuẩn có tên là Botulinum. Tiêm botox đã được FDA (Cục quản lý Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp nhận dùng để điều trị chứng đau nửa đầu kinh niên. Tiêm botox chỉ áp dụng khi bệnh nhân đau nửa đầu thường xuyên, kéo dài trên 15 ngày mỗi tháng. Phương pháp này không được áp dụng rộng rãi vì chi phí khá tốn kém.
Sử dụng quá nhiều loại thuốc điều trị đau nửa đầu nhất định, bao gồm thuốc không cần kê đơn như Paracetamol và các thuốc kháng viêm không steroid, hoặc các thuốc kê đơn như triptans,… có thể dẫn tới đau đầu dội lại do lạm dụng thuốc. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc và dùng thuốc theo kinh nghiệm, nên đi khám và điều trị bệnh theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc Đông y chữa đau nửa đầu

Cuộc sống ngày càng nhiều căng thẳng và áp lực khiến cho chứng đau nửa đầu dần trở thành căn bệnh của không ít người kể cả giới trẻ hiện nay. Ngoài thuốc tây y, thuốc đông y cũng được nhiều người lựa chọn bởi ưu điểm lành tính trong điều trị đau nửa đầu. Dưới đây là một số bài thuốc trị đau nửa đầu hiệu quả.

Bài thuốc Đông y trị đau nửa đầu
Bài thuốc Đông y trị đau nửa đầu

Đau nửa đầu thể huyết hư

Đau nửa đầu thể huyết hư hay gặp ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch với các biểu hiện: mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt, hoa mắt,…
Bài thuốc tiêu biểu: hà thủ ô 16g, thục địa 16g, tang ký sinh 16g, kỷ tử 12g, ngưu tất 12g, xuyên khung 12g, cỏ nhọ nồi 12g, long nhãn 12g, hoài sơn 12g.

Đau nửa đầu thể can phong

Đau nửa đầu thể can phong do can hỏa vượng, can dương bốc lên, can thận âm hư gây ra, thường gặp ở những người mắc chứng bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch,… với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, nôn,…
Bài thuốc tiêu biểu: mẫu lệ 18g, câu đằng 16g, thục địa 16g, quy bản 12g, câu kỷ tử 12g, long cốt 12g, táo nhân 12g, miết giáp 12g.

Đau nửa đầu thể hàn thấp

Đông y trị đau nửa đầu thể hàn thấp tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Khi người bệnh có biểu hiện lưỡi khô, đắng miệng, táo bón, tiểu vàng,… thì sử dụng bài thuốc Nhị trần thang gia cảm: chỉ thực 12g, bạch thược 12g, trần bì 8g, thạch xương bồ 8g, phục linh 8g, địa long 8g, trúc nhự 8g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g.

Chữa đau nửa đầu bằng cây thuốc dân gian

Ngoài những bài thuốc đông y, trong dân gian cũng có những cây thuốc đơn giản, dễ chế biến, an toàn mà cũng có hiệu quả chứng đau nửa đầu. Ngải cứu là một trong số cây thuốc nam chữa bệnh đau đầu được dân gian Việt Nam sử dụng rộng rãi.
Ngải cứu có tính ấm, vị đắng và cay. Trong ngải cứu có thành phần tinh dầu Cineol và Athyon đặc biệt hữu hiệu trong kháng viêm, kháng khuẩn, đẩy lùi các cơn đau nhức nửa đầu nhanh chóng.
Cách chế biến: 100gr lá ngải cứu, 100gr lá tía tô, 100gr lá húng chanh, 50gr lá sả, đem rửa sạch. Đun sôi với 1 lít nước cho đến khi cạn còn một nửa. Chắt phần nước và uống trong vòng 3 đến 5 ngày.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu
Chữa đau đầu bằng ngải cứu

Với ưu điểm lành tính, rất nhiều người tin dùng và ưa chuộng sử dụng các bài thuốc đông y để chữa bệnh đau nửa đầu. Thế nhưng việc áp dụng những bài thuốc này còn tùy thuộc cơ địa và phải kiên trì trong thời gian dài mới có hiệu quả. Tốt nhất, khi gặp những triệu chứng đau nửa đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị thích hợp.

Cách trị đau nửa đầu tại nhà

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh đau nửa đầu triệt để. Việc phòng ngừa bệnh cũng như tránh tái phát được xem là ưu tiên trong việc đối phó với đau nửa đầu. Vì vậy, một số thay đổi về lối sống theo hướng tích cực cũng góp phần khắc phục chứng đau nửa đầu. Dưới đây là một số cách điều trị đau nửa đầu không dùng thuốc hiệu quả.

Massage: mặc dù chưa được nghiên cứu sâu nhưng các nhà khoa học cũng chứng minh được rằng massage có thể làm giảm tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu, đồng thời massage còn giúp làm giảm bớt căng thẳng, đau đầu thông thường.
Tập thể dục, yoga: tập thể dục sẽ làm tăng nhịp tim, từ đó ngăn ngừa chứng nhức nửa đầu xảy ra. Tuy nhiên, điều này lại có thể xảy ra đau đầu ở một số người. Những bài tập chậm như yoga sẽ cải thiện được nhược điểm này.

Yoga hay các phương pháp giúp thư giãn cũng giúp phòng ngừa và kiểm soát tình trạng đau nửa đầu
Yoga hay các phương pháp giúp thư giãn cũng giúp phòng ngừa và kiểm soát tình trạng đau nửa đầu
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: theo một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung magie và vitamin B12 hỗ trợ và phòng ngừa chứng nhức nửa đầu tái phát. Bạn cũng có thể bổ sung vitamin B2 và magie dưới dạng thực phẩm chức năng. Ngoài ra, các sản phẩm chiết xuất từ lá bạch quả (Ginkgo biloba, Migrin,…) cũng có tác dụng giúp tăng tuần hoàn máu não và giảm triệu chứng đau nửa đầu hiệu quả.
  • Ngủ ngon: nghiên cứu cho thấy người ít ngủ hay thiếu ngủ thường đi kèm với chứng đau nửa đầu. Do đó, bạn nên cố gắng ngủ mỗi đêm 7 – 8 tiếng và cố gắng duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy, không sử dụng điện thoại, máy tính hoặc ăn quá no trước khi đi ngủ để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
  • Kiểm soát các yếu tố gây đau nửa đầu: bệnh đau nửa đầu có thể phát sinh bởi thực phẩm hoặc điều kiện môi trường xung quanh. Hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân các cơn đau xuất hiện và kiểm soát chúng. Một số yếu tố có khả năng gây ra chứng đau nửa đầu như: rượu vang, sô cô la, các loại thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói hoặc thịt chế biến, phô mai lâu năm, bột ngọt, đèn sáng với cường độ cao, mùi gay gắt,…
  • Thư giãn: nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn tới đau nửa đầu là những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống nên thư giãn là biện pháp hiệu quả để phòng và chữa bệnh. Bạn áp dụng các phương pháp hít thở sâu, điều tiết cho nhịp thở ổn định, ngồi thiền,… Đây đều là những cách giúp tinh thần trở nên điềm tĩnh và giảm bớt cường độ của các cơn đau.
  • Châm cứu: châm cứu một số huyệt vị có tác dụng làm giảm tần suất đau nửa đầu. Tuy nhiên, châm cứu chỉ có thể thực hiện tại các phòng khám, các cơ sở khám chữa bệnh và cũng cần áp dụng các phương pháp điều trị khác.

Trên đây là một số cách trị đau nửa đầu tại nhà bạn có thể áp dụng để giảm cơn đau tạm thời. Tuy nhiên, khi tình trạng đau nửa đầu diễn ra thường xuyên, bạn hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, theo dõi và điều trị.
Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin về bệnh đau nửa đầu và các loại thuốc điều trị đau nửa đầu hiệu quả. Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để tự mình có thể nhận biết, điều trị và phòng tránh bệnh đau nửa đầu cho bản thân mình. Ngoài ra để đảm bảo cho sức khỏe của bạn được tốt nhất thì hãy nên tiến hành khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Jasvinder Chawla, MD, MBA; Chief Editor: Helmi L Lutsep (Ngày đăng 1 tháng 10 năm 2021). Migraine Headache, medscape. Truy cập ngày 05 tháng 9 2022.