Bệnh ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng, thuốc trị ung thư được xem là một trong các tia sáng cho căn bệnh thế kỷ này. Hãy cùng tìm hiểu ung thư và các thuốc điều trị ung thư qua bài viết dưới đây.
Contents
- 1 Đại cương về bệnh ung thư
- 2 Phân loại thuốc điều trị ung thư
- 3 Cơ chế tác dụng của thuốc trị ung thư
- 4 Sự kháng thuốc của tế bào ung thư
- 5 Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc kháng ung thư
- 6 Nguyên tắc sử dụng thuốc trị ung thư
- 7 Thuốc kháng chuyển hóa
- 8 Nhóm Akyl hóa
- 9 Thuốc chống phân bào
- 10 Kháng sinh trị ung thư
- 11 Hormon và kháng Hormon
- 12 Thuốc ảnh hưởng lên hệ miễn dịch
- 13 Các thuốc khác
- 14 Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư
- 15 Tài liệu tham khảo
Đại cương về bệnh ung thư
Ung thư là gì?
Ung thư xảy ra khi tế bào trong cơ thể tăng sinh một cách bất thường. Các tế bào này không tuân thủ theo chu trình bình thường như tế bào khác mà có sự gia tăng một cách không kiểm soát được.

Tế bào ung thư mang các đặc điểm khác với tế bào bình thường:
- Tế bào ung thư tế bào tăng sinh bất thường, cơ thể không kiểm soát được.
- Không tuân thủ theo chương trình biệt hóa tế bào.
- Xâm lấn sang các mô lân cận.
- Di căn vào máu đến cơ quan khác.
Chu kỳ và sự phát triển của tế bào ung thư
Tế bào ung thư xảy ra chu kỳ nhân đôi qua 4 giai đoạn:
Pha G1: chuẩn bị thành phần để nhân đôi.
Pha S: tổng hợp ADN.
Pha G2 :gián phân.
Pha M: nhân đôi tế bào mẹ ra thành 2 tế bào con.
Một số tế bào ung thư còn có pha G0 – không nhân đôi mà tiềm ẩn trong cơ thể để chờ tái phát.
Vì thế, các thuốc trị ung thư gồm 2 loại tác đông lên chu kỳ tế bào và thuốc tác động không đặc hiệu trên chu kỳ tế bào.
Phân loại thuốc điều trị ung thư
Dựa vào vị trí tác động trên chu kỳ tế bào
Thuốc tác động đặc hiệu theo một pha
Các thuốc nhóm này tác dụng trên các tế bào ở một pha nhất định của chu kỳ tế bào:
Tác động trên pha M: alcaloid dừa cạn, các dẫn xuất taxan.
Tác động trên pha S: các thuốc kháng chuyển hoá.
Tác động trên pha G1 asparangin.
Tác động trên pha G2: podophyllotoxin, bleomycin.
• Thuốc tác động trên nhiều pha của chu kỳ tế bào
Các thuốc này tác dụng trên nhiều pha của chu kỳ tế bào. Gồm các nhóm alkyl hóa, các kháng sinh, dẫn xuất nitrourea.
Thuốc tác động không đặc hiệu trên chu kỳ tế bào
Thuốc không chỉ tác dụng trên các pha của chu kỳ tế bào mà còn tác dụng cả trên pha G0 tức là diệt cả tế bào đang phân chia và không phân chia, ví dụ: cytarabin. Nhóm thuốc này nên lựa chọn để điều trị khối u có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhưng có nhược điểm là diệt tế bào ung thư và tế bào bình thường ở cùng mức độ.

Dựa vào cấu trúc hoá học và cơ chế
Dựa vào cấu trúc hoá học và cơ chế chia thành các nhóm:
- Nhóm kháng chuyển hoá.
- Nhóm alkyl hoá.
- Nhóm chống phân bào.
- Nhóm kháng sinh.
- Nhóm hormon và kháng hormon.
- Nhóm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
- Các thuốc khác.
Cơ chế tác dụng của thuốc trị ung thư
Nhóm kháng chuyển hoá
Do có cấu trúc tương tự các chất nội sinh, nên khi vào cơ thể chúng ức chế cạnh tranh hoặc ức chế tổng hợp purin, pyrimidin hoặc acid folic là những chất quan trọng trong tổng hợp acid nucleic.
Nhóm alkyl hoá
Khi vào cơ thể, chuyển hoá tạo ra gốc alkyl. Các gốc alkyl sẽ liên kết cộng họá trị với guanin ở vị trí N7 của cả 2 mạch trên phân tử ADN tạo liên kết chéo giữa 2 mạch của phân tử ADN hoặc giữa 2 phân tử trên cùng 1 mạch, ngăn cản sự tách đôi và sao chép, do đó ức chế tổng hợp ADN, ARN. Hậu quả là tế bào ung thư không nhân lên, không phát triển được. Thuốc tác dụng trên nhiều pha của chu kỳ tế bào. Ngoài ra, các thuốc này còn có tác dụng ức chế miễn dịch.
Nhóm chống phân bào
Các thuốc gắn chọn lọc vào các tubulin nên ngăn cản sự tập hợp các dimer tubulin thành các cấu trúc vi ống là thành phần quan trọng của thoi gián phân, làm tan rã thoi gián phân và ức chế sự tách đôi của các nhiễm sắc thể làm tế bào ung thư bị tiêu diệt.
Nhóm kháng sinh
Các kháng sinh thường xen vào giữa phân tử ADN hoặc tạo liên kết chéo giữa 2 phân tử ADN, gây tổn thương ADN nên ức chế sự phân chia tế bào.
Nhóm hormon và kháng hormon
Ức chế bài tiết hoặc đối kháng tác dụng hormon.
Nhóm thay đổi đáp ứng miễn dịch
Gồm nhiều thuốc với các cơ chế khác nhau: interferon kích thích tế bào NK của lympho bào và kích thích hoạt tính diệt khối u của bạch cầu đơn nhân. Interleukin kích thích miễn dịch ức chế sự tăng trưỏng và lan truyền của khối u.
Sự kháng thuốc của tế bào ung thư
Việc điều trị ung thư bằng các hoá trị liệu thất bại là do các tế bào ung thư có khả năng kháng thuốc. Sự kháng thuốc có thể xảy ra theo nhiều cơ chế khác nhau:
Tăng cưòng sửa chữa ADN bị tổn thương
Tạo các bẫy gắn vào thuốc làm mất tác dụng của thuốc.
Giảm tích luỹ thuốc, làm cho không đạt nồng độ diệt tế bào ung thư.
Thay đổi đích enzym hoặc hoạt tính enzym chuyển hoá làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc.
Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc kháng ung thư
Các thuốc trị ung thư hầu hết đều là chất gây độc tế bào, hơn nữa tính đặc hiệu không cao như các thuốc kháng khuẩn. Vì vậy, chúng có thể gây độc cho tế bào ngay ở liều điều trị. Các mô tăng sinh nhanh như tuỷ xương, hệ tiêu hoá, nang tóc là các nơi thường biểu hiện độc tính cấp của thuốc trị ung thư.
Các tác dụng không mong muốn thường gặp là:
Trên tuỷ xương: độc với tuỷ xương, biểu hiện là giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
Trên hệ tiêu hoá: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, liệt ruột, loét miệng.
Trên hệ thần kinh: dị cảm, rối loạn hành vi, cư xử, ngủ lịm, điếc.
Với da, tóc: xạm da, rụng tóc, hói đầu.
Trên sinh sản: dị dạng bào thai.
Các tác dụng không mong muốn khác: suy tim, loạn nhịp, viêm phổi…

Nguyên tắc sử dụng thuốc trị ung thư
Chỉ dùng thuốc khi có chẩn đoán rõ ràng bằng mô bệnh học.
Dùng thuốc phải kết hợp vối phẫu thuật và chiếu xạ.
Dùng phối hợp nhiều thuốc để tăng hiệu quả, giảm kháng thuốc và giảm tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên khi phối hợp cần lưu ý không phối hợp các thuốc, có độc tính trên cùng một cơ quan và phải giảm liều so với khi dùng đơn độc.
Lựa chọn thuốc phải phù hợp với loại ung thư, giai đoạn bệnh và tình trạng của bệnh nhân.
Chọn liều đùng và đường dùng thích hợp.
Thuốc kháng chuyển hóa
Thuốc kháng acid folic
Methotrexat

Dược động học
Thuốc hấp thu qua đường tiêu hoá, đường tiêm, đạt nồng độ tối đa sau khi uống 1 giờ, sau khi tiêm 30 phút. Thuốc liên kết với protein huyết tương 50 – 60%. Phân bố tốt vào các mô, ít vào dịch não tuỷ (< 10%). Chuyển hoá chủ yếu ở tế bào ung thư và gan, tạo 2 chất chuyển hoá chính là polyglutamin và 7 – hydroxy methotrexat. Thuốc thải trừ qua nước tiểu.
Tác dụng và cơ chế
Methotrexat ức chế cạnh tranh với enzym dihydrofolat reductase làm giảm tổng hợp acid tetrahydrofolic, thymidylat, methionin, serin và purin là các chất cần cho tổng hợp ADN và protein, do đó tế bào không nhân lên được (vì thế nhóm thuốc này còn gọi là thuốc ức chế sự tăng sinh tế bào).
Chỉ định
Điều trị ung thư nhau, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư xương, và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Điều trị các bệnh bạch cầu lympho cấp, u lympho không Hodgkin.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: viêm miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, suy tuỷ, phát ban, mày đay, rụng tóc. Để giảm các tác dụng này, nên dùng bổ sung leucovorin.
Các tác dụng không mong muốn khác: suy gan, suy thận, độc với phổi và hệ thần kinh.
Chống chỉ định: Người mang thai vì thuốc có thể gây quái thai.
Chế phẩm và liều dùng
Viên nén 2,5mg. Ống, bột pha tiêm 5 – 50mg.
Liều khởi đầu: 25 – 50mg/m2/24h tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
Duy trì: 15 – 25mg/m2/24h uống.
Thuốc kháng pyrimidin
Fluorouracil

Dược động học
Dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc bôi ngoài da. Sau khi tiêm, thuốc khuếch tán nhanh vào các mô, đặc biệt thấm tốt vào các mô u, mô tăng trưỏng nhanh như tuỷ xương, niêm mạc ruột (nồng độ thuốc ở các nơi này gấp 6 – 8 lần ở các mô bình thường) và vào được dịch não tuỷ. Thuốc chuyển hoá ở gan và thải trừ chủ yếu qua đường hô hấp (60%), một phần thải qua thận.
Tác dụng và cơ chế
Fluorouracil khi vào cơ thể chuyển thành 5 – FdUMP. Chất này cạnh tranh với deroxyuridin monophosphat (dUMP) nên ức chế thymidylat synthetase gây thiếu thymidin cho quá trình tổng hợp ADN làm cho tế bào ung thư bị tiêu diệt.
Chỉ định
Khối u ở đường tiêu hoá (ung thư thực quản, dạ dày, tụy, gan), ung thư biểu mô đường hô hấp, ung thư vú, buồng trứng và ung thư da.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là viêm loét da và niêm mạc, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hoá, buồn nôn, nôn, độc với máu, rụng tóc, đau ngực và thay đổi điện tim.
Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm 250mg/5mL, 500mg/10mL. Thuốc mỡ 5% – tuýp 20 gam.
Liều dùng: 6 – 12mg/kg/24h. Liều tối đa 80mg/24h.
Cytarabin

Dược động học
Hấp thu kém qua đường tiêu hoá (< 20%), chủ yếu dùng đường tiêm. Khuếch tán tốt vào các mô và dịch não tuỷ. Chuyển hoá ở gan và thải trừ qua nước tiểu, 80% thuốc thải trong 24 giờ đầu.
Tác dụng và cơ chế
Thuốc chống chuyển hoá tác dụng đặc hiệu với pha s của chu kỳ tế bào.
Cơ chế: khi vào cơ thể, cytarabin chuyển thành arabino furanosyl cytosin triphosphat là chất có hoạt tính. Chất này liên kết với ADN tạo nên cấu trúc bất thường làm rối loạn chuyển hoá và ức chế sinh sản tế bào. Ngoài ra, còn ức chế ADN polymerase và ảnh hưởng tới các enzym kinase.
Chỉ định
Các bệnh tăng bạch cầu cấp và bạch cầu thứ phát, các u lympho không Hodgkin và các u rắn.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là ức chế tuỷ xương, buồn nôn, nôn, rối loạn chức năng gan.
Khi dùng liều cao hoặc tiêm trực tiếp vào tuỷ sống có thể gây co giật và rối loạn tâm thần.
Chế phẩm và liều dùng
Chế phẩm và liều dùng
Bột pha tiêm l00mg, 500mg, lg và 2g.
Khởi đầu 100 – 200mg/m2/24h X 5 – 7 ngày, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
Duy trì lmg/kg/tuần tiêm dưới da.
Thuốc kháng purin
Mercaptopurin

Tác dụng và cơ chế
Thuốc tạo ra nucleotid không điển hình xen vào các acid nucleic của tế bào ung thư gây ức chế tổng hợp nucleotid.
Ngoài ra, mercaptopurin còn có tác dụng ức chế miễn dịch dịch thể.
Chỉ định
Điều trị các bệnh bạch cầu cấp dòng lympho và dòng tuỷ.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là buồn nôn, nôn, ức chế tuỷ xương.
Ngoài ra: thuốc gây loét miệng, loét đường tiêu hóa và độc với gan.
Liều dùng
Bệnh bạch cầu cấp: 1 – l,2mg/kg/24h X 8 – 15 ngày.
Bạch cầu mạn: 1,5 – 2,5mg/kg/24h.
Các thuốc tương tự mercaptopurin
Thioguanin: là dẫn xuất của mercaptopurin có các đặc điểm tác dụng và chỉ định tương tự như mercaptopurin. Liều dùng 2 – 3mg/kg/24h.
Azathioprin: là dẫn xuất của mercaptopurin nhưng tác dụng ức chế miễn dịch mạnh nên chủ yếu dùng làm thuốc ức chế miễn dịch.
Nhóm Akyl hóa
Dẩn xuất nitrogen mustard (các mù tạc nitơ)
Cyclophosphamid và ifosfamid
Thuốc chống ung thư kìm tế bào, có tác dụng trên nhiều pha nhưng mạnh trên pha S và G2 của chu kỳ tế bào.
Dược động học
Cyclophosphamid dùng đường uống và đường tiêm (sinh khả dụng đường uống trên 70%). Ifosfamid chỉ dùng đường tiêm. Phân bố rộng rãi vào các mô, vào được dịch não tuỷ, nhau thai và sữa mẹ. Chuyển hoá ở gan tạo thành chất chuyển hoá có hoạt tính và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải của cyclophosphamid là 6 — 8 giừ, của ifosfamid khoảng 15 giờ.
Chỉ định
Các loại ung thư carcinom và sarcom, như ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư phế quản, u nguyên bào thần kinh…
Các bệnh bạch cầu, u lympho Hodgkin và không Hodgkin.
Viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh tự miễn và cấy ghép cơ quan.
Tác dụng không mong muốn
Thuốc gây độc với máu, như giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu. Ngoài ra gây buồn nôn, nôn và xuất huyết bàng quang.
Liều cao gây độc với tim, rối loạn nội tiết.
Chống chỉ định
Người mang thai, thời kỳ cho con bú, suy tuỷ, suy thận nặng, viêm bàng quang và viêm đường niệu cấp.
Liều dùng
Cyclophosphamid: uống 50 – 240mg/m2/24h. Tiêm tĩnh mạch: 400 – 600mg/m2, 2 – 5 ngày 1 lần hoặc 800 – 1600 mg/m2, 10 – 20 ngày dùng 1 lần.
Ifosfamid: 1 – 2mg/m2/24h X 5 ngày. Cứ 3 -4 tuần truyền 1 đợt. Dùng kèm Mesna với liều bằng 20% liều ifosfamid để giảm xuất huyết bàng quang.
Các nitrogen mustard khác
Mechlorethamin
Có tác dụng trên nhiều pha nhưng mạnh nhất là trên pha S và G1 Gây kích ứng mạnh nên chỉ dùng đưòng tiêm tĩnh mạch. Có thời gian xuất hiện tác dụng nhanh nhất. Thường dùng điều trị u lympho không Hodgkin và bệnh bạch cầu. Dùng ngoài để điều trị bệnh vẩy nến và một số bệnh nấm.
Liều dùng: 6mg/m2/lần, cứ 1 – 2 tuần tiêm 1 lần.
Melphalan
Trị đa u tuỷ, ung thư vú, buồng trứng và các loại ung thư tiến triển khác.
Liều dùng: 0,2 – 0,3mg/kg (6mg/m2/24h).
Kết hợp với prednisolon 40mg, đợt 4 ngày.
Clorambucil
Trị các u lympho Hodgkin và không Hodgkin.
Liều dùng: 2 – 10mg/24h, liên tục hoặc 6 – 10mg/m2/24h X 5 ngày.
Dần xuất nitroure
Carmustin, lomustin và semustin
Dược động học
Carmustin không bền trong nước và dịch cơ thể. Chuyển hoá rất nhanh, tạo chất chuyển hoá có hoạt tính. Lomustin và semustin hấp thu tốt qua đường tiêu hoá. Thuốc dễ dàng qua hàng rào máu não. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải của carmustin từ 15 – 90 phút, của lomustin khoảng 6 giờ.

Tác dụng
Có tác dụng trên tất cả các pha của chu kỳ tế bào.
Chỉ định
Trị các khối u ở thần kinh trung ương: u não, u đa tuỷ…
Các u lympho Hodgkin và không Hodgkin, u sắc tố, u tiêu hoá…
Tác dụng không mong muốn: Suy tuỷ, buồn nôn, nôn, độc với thận, phổi, tăng acid uric máu.
Chống chỉ định
Ngưòi mang thai, cho con bú, mẫn cảm với thuốc
Không phối hợp với các thuốc trị ung thư gây độc cho tuỷ xương khác.
Liều dùng
Carmustin 150 – 200mg/m2/lần.
Lomustin: 130mg/m2/lần.
Semustin: 20:0mg/m2/lần. Cứ 6 – 8 tuần dùng 1 lần.
Streptozocin
Streptozocin là nitroure thiên nhiên, có ái lực cao với tế bào beta đảo Langerhans, tác dụng trên nhiều pha của chu kỳ tế bào.
Thuốc chủ yếu dùng điều trị ung thư đảo tụy. Ngoài ra, streptozocin còn dùng để gây đái đường thực nghiệm.
Liều dùng: tiêm tĩnh mạch: 500mg/m2/24h X 5 ngày, 6 tuần dùng 1 đợt; hoặc 1000 – 1500mg/m2/tuần.
Dẫn xuất triazen
Dacarbazin
Dacarbazin tác động lên nhiều pha của chu kỳ tế bào. Thuốc vừa ức chế tổng hợp ADN như các thuốc kháng chuyển hóa, vừa liên kết với ADN giống như thuốc alkyl hóa.

Chỉ định: u hắc tố ác tính, u lympho Hodgkin và không Hodgkin.
Đơn trị liệu: 150 – 250mg/m2/24h X 4 – 5 ngày, 3 tuần dùng 1 đợt.
Phối hợp: 100mg/m2/24h X 4 – 5 ngày, 3 tuần/đợt.
Dẫn xuất alkyl sulfonat
Busulfan
Busulfan là chất duy nhất của dẫn xuất alkylsulfonat còn dùng điều trị. Thuốc hấp thu qua đường uống và thải trừ qua nước tiểu, thời gian bán thải 2 -3 giờ.
Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc tuỷ xương, nhất là sự tăng sinh của bạch cầu hạt nên chủ yếu điều trị hội chứng tăng sinh tuỷ như bệnh bạch cầu mạn dòng tuỷ, tăng hồng cầu nguyên phát, tăng tiểu cầu.
Tác dụng không mong muốn
Thường liên quan đến tác dụng ức chế tuỷ xưởng như giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm tiểu cầu, xơ hoá tuỷ thứ phát.
Ngoài ra dùng lâu gây nhiễm sắc tố da, ban đỏ, rối loạn nội tiết, đục thể thuỷ tinh, suy thận.
Liều dùng: uống 2 – 10mg/24h, chia 2 – 3 lần. Duy trì 0,5 – 2mg/24h (viên 2mg).
Dẫn xuất platin
Cisplatin và carboplatin
Carboplatin là dẫn xuất thế hệ 2 của platin có hoạt tính mạnh hơn cisplatin.
Dược động học
Dùng đường tiêm tĩnh mạch, phân bố tốt vào các mô, nhất là gan, thận, ruột, ít vào hệ thần kinh. Liên kết với protein huyết tương 90%, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Chỉ định
Trị ung thư tinh hoàn, buồng trứng, cổ tử cung, bàng quang.
Trị các ung thư biểu mô miệng, tai mũi họng, ung thư phổi tế bào nhỏ.
Tác dụng không mong muốn
Độc với thận, giảm thính lực, ức chế tuỷ xương gây giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, buồn nôn, nôn, rối loạn thần kinh ngoại vi, rối loạn nhịp tim.
So với cisplatin thì carboplatin ít độc với thận, thần kinh, ít gây nôn nhưng độc với tuỷ xương nhiều hơn.
Chống chỉ định
Tổn thương thận.
Người mang thai, thời kỳ cho con bú.
Không dùng cùng các thuốc độc với thính giác.
Liều dùng
Cisplatin (Neoplatin): 20 – 100mg/m2/24h, tiêm tĩnh mạch.
Carboplatin: 360mg/m2/24h, thưòng phối hợp với cyclophosphamid.
Các thuốc tương tự: omaplatin, oxaliplatin, enoplatin, laboplatin.
Thuốc chống phân bào
Các alcaloid dừa cạn
Gồm các thuốc: vincristin, vinblastin, vinorelbin, vindesin.

Dược động học
Dùng đường tiêm tĩnh mạch (trừ vinorelbin có thể dùng đường uống). Sau khi tiêm, thuốc phân bố rộng rãi khắp cơ thể, tập trung nhiều ở gan, lách, mật, nhưng không vào dịch não tuỷ. Chuyển hoá ở gan và thải trừ qua mật (40 – 70%), một phần thải qua nước tiểu.
Tác dụng và cơ chế
Thuốc chống ung thư kìm tế bào, ức chế đặc hiệu pha M của chu kỳ tế bào.
Cơ chế: Thuốc gắn đặc hiệu vào tubulin nên ngăn cản tạo vi cấu trúc hình ống, là thành phần quan trọng của thoi gián phân và ức chế sự tách đôi của nhiễm sắc thể.
Chỉ định
Điều trị bệnh bạch cầu cấp, bệnh Hodgkin, u lympho không Hodgkin, sarcom xương, sarcom cơ vân, u bướu Wilm, u nguyên bào thần kinh, ung thư vú, tử cung, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư tuyến giáp…
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp, độc với thần kinh, như co giật, dị cảm, giảm hoặc mất trương lực cơ, mất phản xạ sâu.
Tác dụng không mong muốn khác: rối loạn tiêu hoá, hô hấp, giảm bạch cầu, tiểu cầu, viêm lợi, rụng tóc, viêm da, viêm cò, rối loạn kinh nguyệt, mất tinh trùng…
Chống chỉ định
Suy tuỷ, bệnh ở thần kinh, chiếu xạ tia X vùng tĩnh mạch cửa và gan.
Nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
Người mang thai, thời kỳ cho con bú và mẫn cảm với thuốc.
Không nên dùng cùng với mytomycin vì gây suy hô hấp nặng, với phenytoin gây cơn động kinh.
Liều dùng
Vincristin 1 – 2mg/m2/tuần, 4 – 6 tuần.
Vinblastin: 5,5 – 7,4mg/m2/tuần.
Dẫn xuất taxan
Gồm hai chất là paclitaxel và docetaxel.
Dược động học
Đều dùng đường tiêm tĩnh mạch, phân bố tốt vào các mô. Chuyển hoá ở gan và thải trừ chủ yếu qua mật, paclitaxel có thời gian bán thải 3 – 5 giờ còn docetaxel khoảng 11 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Thuốc gắn đặc hiệu với tiểu đơn vị p của tubulin của vi cấu trúc hình ống, ức chế sự tháo rời vi cấu trúc hình ống thành dạng monomer, là quá trình cần thiết đế cung cấp năng lượng cho chu kỳ phân bào.
Chỉ định
Điều trị ung thư biểu mô buồng trứng, ung thư vú khi bệnh nhân không dùng được các thuốc dòng đầu.
Tác dụng không mong muốn
Hay gặp: viêm dây thần kinh ngoại vi, độc với tuỷ xương (giảm bạch cầu, tiểu cầu).
Ngoài ra, gây rối loạn tuần hoàn như tăng huyết áp, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, huyết khối tĩnh mạch đầu chi, đau cơ, đau khớp, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn, viêm gan, rụng tóc, kích ứng và hoại tử nơi tiêm.
Liều dùng
Paclitaxel (Taxol): 135 – 175mg/m2/tuần X 3 tuần, tiêm truyền tĩnh mạch.
Docetaxel: 60 – 100mg/m2/tuần X 3 tuần.
Nên dự phòng bằng corticoid hoặc kháng histamin H1 trước khi điều trị.
Dẫn xuất podophyllotoxin
Podophyllotoxin có nguồn gốc tự nhiên, được chiết xuất từ rễ cây Podophyllum peltatum. Dẫn xuất bán tổng hợp là etoposid và teniposid.
Thuốc tác dụng vào cuối pha S và đầu pha G2. Thuốc thường dùng điều trị bệnh bạch cầu cấp, u lympho, bệnh Hodgkin, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư tinh hoàn và tiền liệt.
Liều dùng
Etoposid: 50 – 100mg/m2/24h X 5 ngày, cứ 3 – 4 tuần dùng 1 đợt.
Teniposid: 165mg/m2/lần X 2 lần/tuần.
Kháng sinh trị ung thư
Các kháng sinh trị ung thư chủ yếu được phân lập từ Streptomyces. Chất đầu tiên được tìm ra là actinomycin A. Các thuốc này ức chế đặc hiệu trên quá trình tổng hợp ADN.
Gồm các thuốc: các anthracyclin (daunorubicin và doxorubicin), dactinomycin, bleomycin…

Tác dụng và cơ chế
Các anthracyclin và dactinomycin xen vào giữa chuỗi xoắn kép ADN và gắn vào phân tử ADN ở vị trí giữa cặp base guanin – cytosin, tạo phức hợp bền vững, ức chế ADN phụ thuộc ARN – polymerase, gây rối loạn tổng hợp và chức năng của ADN. Ngoài ra, các thuốc này còn có tác dụng ức chế miễn dịch.
Bleomycin tác dụng trên pha G2 của chu kỳ tế bào. Thuốc tạo phức với ADN và Fe ++, rồi oxy hoá Fe++ thành Fe+++, đồng thời tạo gốc tự do, xen vào giữa 2 phân tử ADN làm gãy, đứt chuỗi ADN.
Chỉ định
Ung thư tinh hoàn, tử cung, buồng trứng.
Ung thư xương, lympho hạt, u hắc tố…
Thuốc thường phối hợp với vincristin, methotrexat, cyclophosphamid.
Tác dụng không mong muốn: Gây suy tuỷ, viêm miệng, buồn nôn, nôn, rụng tóc và đau nơi tiêm. Bleomycin có độc tính cao với phổi, gây suy hô hấp.
Chống chỉ định
Nhiễm virus Herpes.
Giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu nặng, bệnh gan, thận nặng.
Người mang thai và mẫn cảm với thuốc.
Liều dùng
Dactinomycin 500 microgam/24h X 5 ngày, cứ 2 – 4 tuần dùng 1 đợt.
Daunorubicin (Daunoxome, Daunobicin): 40 – 60mg/m2/ngày X 3 lần.
Doxorubicin: 30 – 75mg/m2, 21 ngày tiêm 1 lần.
Hormon và kháng Hormon
Các thuốc trong nhóm được dùng điều trị các loại ung thư liên quan tới rối loạn hormon như ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư vú, ung thư tiền liệt.
Các glucocorticoid
Thuốc thường dùng là dexamethason và prednisolon, có tác dụng ức chế phân bào và tiêu diệt tế bào lympho, nên thưòng dùng điều trị bệnh bạch cầu cấp, u lympho, chứng thiếu máu tan máu ác tính và các biến chứng chảy máu do giảm tiểu cầu.
Các estrogen
Các thuốc: ethinylestradiol, diethylstilbestrol…
Ức chế sự phát triển quá mức của tuyến tiền liệt do ức chế sản xuất LH, làm giảm tổng hợp androgen ở tế bào tinh hoàn. Thuốc được chỉ định điều trị ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc hormon.
Tamoxifen
Tamoxifen là kháng estrogen, có cấu trúc tương tự estrogen, khi vào cơ thể cạnh tranh vị trí liên kết trên receptor của estrogen.
Thuốc dùng điều trị ung thư vú phụ thuộc hormon.
Tác dụng không mong muốn hay gặp là nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, buồn nôn, nôn, rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo, phù…
Liều dùng: 20 – 40mg/24h chia 2 lần.
Các progesteron
Là các thuốc lựa chọn thứ 2 cho điều trị ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung phụ thuộc hormon.
Liều dùng: Međroxyprogesteron: 400 – 1000mg/24h.
Hydroxyprogesteron: l000mg/lần X 1 – 2 lần/tuần.
Megestrol acetat 40 – 320mg/24h đường uống.
Androgen
Thuốc thường dùng là fluoxymesteron, có tác dụng kháng estrogen, dùng điều trị ung thư vú phụ thuộc hormon. Thuốc tương đối an toàn so với các thuốc trị ung thư khác.
Các kháng androgen không phải steroid
Flutamid và finasterid
Flutamid là chất đối kháng androgen do cạnh tranh ở receptor của androgen.
Finasterid là chất ức chế chuyển hoá testosteron thành dihydrotestosteron.
Các thuốc được dùng điều trị ung thư tuyến tiền liệt sau khi cắt tinh hoàn.
Dẫn xuất của hormon giải phóng gonadotropin (GnGH)
Các thuốc leucoprolid, goserelin, dùng đường uống và nafarelin dùng đường tiêm. Các thuốc này có tác dụng 2 pha trên tuyến yên. Đầu tiên thuốc kích thích bài tiết LH và FSH. Nếu dùng kéo dài sẽ ức chế giải phóng LH làm giảm tổng hớp androgen. Thuốc dùng điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Thuốc ảnh hưởng lên hệ miễn dịch
Interferon
Interferon là các glucoprotein nội sinh, do các tế bào khác nhau sản sinh ra sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây cảm ứng, như virus, ARN, endotoxin hoặc polycarboxylat tổng hợp. Ngày nay đã tạo ra các interferon nhờ kỹ thuật tái tổ hợp gen. Dựa vào tính kháng nguyên, chia 3 loại interferon là alpha, beta, gamma. Trong đó interferon alpha hay được dùng điều trị ung thư.
Tác dụng
Interferon có nhiều tác dụng như kháng virus, chống tăng sinh và điều hoà miễn dịch.
Thuốc có tác dụng chống tăng sinh một số loại ung thư như sarcom xương, u hắc tố, ung thư vú…
Cơ chế chưa rõ ràng nhưng có thể các interferon kích thích tế bào NK của lympho bào và kích thích hoạt tính diệt khối u của bạch cầu đơn nhân.

Chỉ định
Điều trị các bệnh bạch cầu: bạch cầu có lông, bạch cầu mạn dòng tuỷ, u lympho tế bào T, u hắc tố, u tuỷ, ung thư thận, viêm gan và các ung thư kèm suy giảm miễn dịch.
Tác dụng không mong muốn
Độc với tuỷ xương, thần kinh, có hội chứng “giả cúm”.
Tác dụng không mong muốn khác: rối loạn tiêu hoá, rối loạn chức năng gan thận, các phản ứng da, rụng tóc.
Chế phẩm và liều dùng
Interferon alpha bột pha tiêm 3MU, 5MU, 10MU và 18MU.
Dung dịch tiêm các hàm lượng từ 3MU/mL – 36MU/mL.
Liều khởi đầu 3MU/ngày X 3 lần/tuần, sau tăng dần lên đến 18MU/ngày.
Duy trì 16 – 36MU X 3 lần/tuần. Dùng liên tục 16 – 24 tuần.
Interleukin II
Interleukin là protein có trọng lượng phân tử 15.600 dalton, hiện nay được sản xuất nhờ kỹ thuật tái tổ hợp gen. Thuốc có tác dụng điều hoà miễn dịch, làm giảm tăng trưởng và sự lan truyền khối u.
Chỉ định
Điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ, ung thư tuyến ở thận có di căn.
Tác dụng không mong muốn
Trên tim mạch như: hạ huyết áp, loạn nhịp, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực.
Trên hô hấp: khó thở, ho, phù phổi.
Ngoài ra độc với gan, máu, thần kinh, da và tóc.
Liều dùng
600.000 IU/kg, 8 giờ truyền 1 lần , đợt 14 liều.
Các thuốc khác
Asparaginase
Asparaginase được chiết từ Escherichia coli và các vi khuẩn khác.
Thuốc dùng đường tiêm bắp và tĩnh mạch. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được sau 14 – 24 giờ. Thời gian bán thải từ 8 – 30 giờ.
Cơ chế tác dụng
Asparagin là acid amin cần thiết để tổng hợp protein của các tế bào lympho ác tính nhạy cảm.
Asparaginase xúc tác cho phản ứng thuỷ phân asparagin. Vì vậy, khi thiếu asparagin tế bào ung thư sẽ không tổng hợp được protein và sẽ bị tiêu diệt.
Các tế bào bình thường có thể tự tổng hợp được aprangin nên ít bị ảnh hưởng bởi asparanginase.
Chỉ định
Điều trị các bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bạch cầu cấp dòng tuỷ, u lympho.
Tác dụng không mong muốn
Rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Rối loạn đông máu, giảm fibrin máu.
Rối loạn chức năng gan: vàng da, tăng enzym gan, tăng bilirubin.
Rối loạn chức năng tụy: viêm tụy, tiểu đường.
Liều dùng
Liều tấn công: 50 – 200 UI/kg/24h, cứ 1 – 2 ngày dùng 1 lần X 8 – 21 lần.
Liều duy trì: 50 – 200 UI/kg/24h, cứ 1 – 2 lần/tuần.
Hydroxyure (Hydroxycarbamid, Hydrea)
Có tác dụng đặc hiệu trên pha S nhờ ức chế enzym ribonucleic reductase, do đó ức chế tồng hợp AÍ)N.
Dùng điều trị chứng tảng sinh tủy xương, như bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, lách to do tủy tăng sinh tiểu cầu, tăng hồng cầu…
Liều dùng: 80mg/kg/24h, 3 ngày uống 1 lần hoặc ngày 20 – 30mg/kg/24h, dùng hàng ngày.
Procarbazin (Matulan, Natulan)
Procarbazin vào cơ thể, tự oxy hoá thành azoprocarbazin, phản ứng này tạo ra các gốc tự do tác động vào chuỗi ADN gây đứt, gãy và độc với tế bào.
Thuốc dùng trị bệnh Hodgkin tiến triển hoặc tái phát và một số ung thư khác như não, phổi tế bào nhỏ, ung thư phế quản. Thuốc có nhiều độc tính nên ít dùng.
Liều dùng: 100mg/m2 X 10 – 14 ngày, dùng nhắc lại sau 4 – 6 tuần.
Mitoxantron (Novantron)
Mitoxantron là dẫn xuất của anthraquinon tổng hợp có cấu trúc và cơ chế tác dụng giống nhóm kháng sinh anthracyclin. Trị bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ, u lympho không Hodgkin, ung thư vú kể cả đã di căn.
Liều dùng: 12mg/m2/24h X 2 – 3 ngày, phối hợp với cytosin.
Mitotan (Lysodren)
Mitotan ức chế tuyến làm. giảm hormon adrenocorticosteroid và chất chuyển hoá của chúng, chủ yếu dùng điều trị ung thư tuyến thượng thận.
Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư
Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị và chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Việc ăn kiêng các loại thực phẩm giàu đạm, protein,… và chỉ ăn thực dưỡng, nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.
Điều này không những gây ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị mà còn làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng, làm giảm thời gian sống của bệnh nhân ung thư.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, trước, trong và sau quá trình điều trị giúp bệnh nhân tăng cường thể lực, đủ sức để theo được các liệu pháp điều trị nặng nề.
Người bệnh cần ăn đầy đủ các nhóm chất: đạm – bột đường – béo – vitamin, khoáng chất – nước giúp cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại căn bệnh ung thư. Ngoài ra, bệnh nhân nên bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn mềm, nhuyễn (cháo, súp,…)
Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, rượu bia, thuốc lá, thức ăn nhiều chất béo.
Một số thực phẩm người bệnh nên bổ sung trong khẩu phần ăn hằng ngày để cải thiện bệnh như: súp lơ, nho đỏ, cà chua, trà xanh, bí đỏ,…
Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
Bệnh nhân nên chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, suy nghĩ tích cực sẽ giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
Tình hình ung thư tại Việt Nam, MOH. Truy cập ngày 22/01/2021.
What Is Cancer ?, NIH. Truy cập ngày 22/01/2021.